Trong bối cảnh hội nhập kinh tế Quốc tế, việc mua bán, sáp nhập là hoạt động tích cực nhằm mang lại sự phát triển lớn mạnh và bền vững cho doanh nghiệp.
Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp đang sôi sục ở thị trường Việt Nam
Nếu theo dõi biến động của thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) từ 2009 tới nay, dễ dàng nhận thấy, hoạt động M&A ngày càng phổ biến và trở thành xu thế của mọi doanh nghiệp, mọi lĩnh vực. Hoạt động này trở nên dày đặc hơn cả trong khoảng 2 năm trở lại đây.
Năm 2015, tổng giá trị các thương vụ M&A của Việt Nam đạt mốc 5,2 tỉ tương đương với kỷ lục từ năm 2012. Sang đến 7 tháng đầu của 2016, giá trị các thương vụ M&A ước tính đã vượt mốc 3 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2015. Nhiều chuyên gia dự đoán, hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp sẽ vô cùng sôi động trong nửa cuối năm nay.
Hiện tại, ngành nghề được xem là chiếm tỷ trọng lớn trong các giá trị thương vụ M&A tại Việt Nam phải kể bán lẻ, công nghiệp tiêu dùng và bất động sản. Top 3 thương vụ M&A đình đám nhất khoảng 2015 – 2016 tính đến thời điểm này vẫn là ngành bán lẻ với thương vụ Central Group mua lại Big C từ tập đoàn Casino của Pháp với giá 920 triệu euro (tương đương 1,140 tỷ USD). Kế đến là thương vụ Sản xuất thực phẩm Singha mua lại Masan Consumer, Masan Brewery với giá 1,1 tỷ USD và thương vụ TCC hoàn tất mua Metro với giá 711 triệu USD.
Mua bán sáp nhập doanh nghiệp mở rộng cơ hội thành công
Mua bán sáp nhập doanh nghiệp là hoạt động tích cực đối với cả bên mua và bên bán. So với việc thành lập một công ty con để mở rộng quy mô thì sáp nhập một doanh nghiệp phù hợp giảm thiểu tối đa các khoản chi và thời gian. Bên mua sẽ không mất chi phí tìm dự án, làm các thủ tục hành chính, đặc biệt là có sẵn thị trường tiêu thụ và nhân lực bản địa khi thực hiện M&A.
Với bên bán, khi sáp nhập với 1 doanh nghiệp khác ngang bằng hoặc lớn hơn, giá trị và danh tiếng đều sẽ tăng lên. Một công ty mới mở cũng vậy, không ai biết đến họ cho tới khi công ty của họ đứng trên vai người khổng lồ nào đó và bỗng dưng trở nên nổi tiếng. Đặc biệt với những doanh nghiệp nhỏ hay đang bên bờ vực phá sản thì M&A là chiếc phao cứu hộ tốt nhất xoay chuyển tình thế.

Thương vụ M&A mang lại cơ hội rộng mở cho cả bên mua và bán.
Khi sáp nhập hay hợp nhất doanh nghiệp, hiệu ứng tích cực đầu tiên mang lại sẽ là giá cổ phiếu tăng. Thậm chí chỉ cần là thông tin rò rỉ về việc doanh nghiệp đó sẽ tiến hành M&A, mức giá cổ phiếu cũng đã tăng dần. Thương vụ giữa TSC và FIT là ví dụ điển hình:
Giá cổ phiếu của Công ty Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ TSC đã tăng vượt trội 417%, từ mức giá 8.700 đồng/ cổ phiếu lên mức 45.000 đồng/cổ phiếu với giá trị giao dịch tăng đáng kể so với đầu năm 2014. Có thể thấy TSC bắt đầu tăng giá kể từ thông tin Công ty Cổ phần Đầu tư FIT có ý định trở thành cổ đông chiến lược tại TSC với việc mua 7,5 triệu cổ phiếu được TSC chào bán riêng lẻ với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 47,43%. Tiếp đó vào ngày 15/9/2014, FIT đã tiếp tục đăng ký mua thêm 2,8 triệu cổ phiếu TSC, nâng tỷ lệ sợ hữu lên 65,14%.
Mua bán sáp nhập doanh nghiệp chỉ được thực hiện khi có sự thống nhất của hai bên về mức giá. Bên mua luôn muốn có được doanh nghiệp với giá thấp nhất còn bên bán luôn muốn doanh nghiệp mình được định giá cao. Việc định giá cho thương vụ này không thể đến từ 1 trong 2 bên mua và bán mà cần đến một bên thứ 3 công tâm nhất đó là một tổ chức thẩm định giá. Hơn nữa, việc định giá cho doanh nghiệp là một loại hình đặc thù và khá phức tạp do vậy thị trường đã hình thành nên những công ty chuyên thẩm định giá chuyên nghiệp.
Thẩm định giá Doanh nghiệp được hiểu và thừa nhận một cách rộng rãi là việc điều tra và phân tích chi tiết các hoạt động, tài sản, các khoản ghi nợ, đánh giá các hoạt động, tài sản, các khoản ghi nợ của công ty, xác định giá trị hiện hữu và tiềm năng của một doanh nghiệp.
Sưu tầm.